Chủ động trao quyền cho doanh nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, toàn ngành chế biến chế tạo có sự tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2020; trong đó, một số ngành tăng trưởng mạnh như thép cán tăng hơn 35%, sắt thép thô tăng hơn 10%, phân DAP tăng hơn 30%...
Đại diện Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi do nhiều địa phương đã chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt hơn; đồng thời có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường…
Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam là doanh nghiệp chuyên về thiết kế chế tạo máy, gia công cơ khí, cơ khí chính xác. Ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, công ty đã bắt tay vào sản xuất để kịp tiến độ giao hàng.
Đến Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, tại xã Thanh Thùy – huyện Thanh Oai những ngày cuối năm 2021, không khí làm việc tại xưởng sản xuất đang hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD Việt Nam cho hay, khắc phục việc thiếu lao động trong suốt thời gian giãn cách, công ty đã tuyển dụng thêm một số lao động nhàn rỗi để kịp tiến độ giao hàng. Trong quá trình sản xuất, SKD Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, vận động người lao động thực hiện tiêm phòng đầy đủ, tuân thủ 5K, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
“Đến nay, các đơn hàng về cơ bản có thể đáp ứng đúng tiến độ cho đối tác. Nhờ đó, chúng tôi tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho đến hết Quý II năm 2022. Để chuẩn bị cho năm tới, Công ty SKD tiếp tục cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, mạnh dạn củng cố, nâng cao năng lực phục vụ trong thời gian bình thường mới”, ông Nguyễn Văn Kết nói.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho hay, đến nay, các doanh nghiệp ngành sản xuất chế tạo, về cơ bản đã vượt qua khó khăn. Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, thiếu đơn hàng và dự án khả thi, khó tiếp cận được nguồn tài chính để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Do vậy, cần có những quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và được vận hành hiệu quả.
Với ngành dệt may, sau những tháng ngày khó khăn do dịch bệnh COVID, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng tốt và giữ được mức tăng trưởng cao.
Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, ngay từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và có hướng dẫn doanh nghiệp phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất, May 10 đã nỗ lực hoàn thành, giải quyết những đơn hàng giao muộn của Quý III/2021 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội.
“Hiện nay, tất cả những người lao động của chúng tôi đang rất phấn chấn và nỗ lực để hoàn thành, tăng năng suất, thậm chí là xung phong để làm thêm giờ, kể cả làm thêm ngày chủ nhật nếu cần để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết đến hết quý IV/2021. Một số nhà máy đã có đơn hàng đến hết quý I/2022. Năm 2021, mặc dù dự báo là năm khó khăn nhất, nhưng tính đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn xác định là sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra khi kết thúc năm”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành dệt may vẫn khá khả quan. Bước sang năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dựa theo kế hoạch ban đầu của ngành đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt mức cao nhất từ 38 - 38,5 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD, bằng với mục tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2020, thậm chí là cao hơn so với kịch bản tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, nếu có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành dệt may phấn đấu năm 2022 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42,5 - 43,5 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022. Với kịch bản xấu hơn, ngành vẫn có thể xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD.
Chung tay 3 bên
Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, song để thực sự hồi phục, vươn lên đạt được mục tiêu cao hơn trong năm 2022, nhiều ý kiến doanh nghiệp và các hiệp hội cho rằng, ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp thì rất cần sự chung tay từ Trung ương và chính quyền các địa phương.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, thời gian qua, đơn cử mô hình hợp tác giữa Bộ Công Thương – Samsung Việt Nam và UBND các tỉnh, địa phương như: Hải Dương, Bắc Ninh... đã thực hiện tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng cho hàng chục doanh nghiệp.
Mô hình này nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, thay đổi nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm với xã hội trong môi trường, an toàn lao động…
“Từ các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn trên thế giới, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn; từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Do vậy, cần nhân rộng hơn những mô hình như vậy để doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi sản xuất lớn, mở cơ hội vươn ra thị trường lớn hơn”, ông Đào Phan Long nhận định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, đại diện VITAS cũng cho rằng, vai trò của hiệp hội là rất quan trọng trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà nước và các địa phương để làm sao tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, hiệp hội cũng phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… tới các cơ quan quản lý, Chính phủ. Vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước và địa phương sẽ tạo lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Tuy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp sản xuất ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp.
Để phát triển sản xuất công nghiệp thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đồng thời triển khai các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, gây khó khăn trong phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Mặt khác, bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng. Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm…
Đức Dũng (TTXVN)