Đổi mới xu hướng của ngành may mặc
Việc Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại FTA, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi khía cạnh hoạt động của mình, nhất là “xanh hóa” các nguyên liệu để bảo vệ môi trường.
Ông James Phillips, Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam, cho biết hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), kiêm Trưởng ban Phát triển bền vững của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam – đang chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Vì vậy, hiện đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế.
“Bắt kịp xu thế của thế giới, chúng tôi đã có dự án “Xanh hóa ngành dệt may”, hướng tới mục đích cải cách ngành dệt may Việt Nam, tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường. Dự án tập trung vào cải thiện quản lý nước và năng lượng với mục tiêu dài hạn là tăng cường quản trị khu vực Mekong và nâng cao tính bền vững của hệ sinh thái, môi trường sống khu vực này. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI ngành dệt may đã nghiên cứu, cho ra đời nguyên liệu tái chế để sản xuất thời trang. Ví dụ, dùng bã của 3 cốc cà phê và 5 chai pet để chế ra sợi và làm áo polo”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas chia sẻ.
Theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam. Khi đó, các nhãn hàng thế giới sẽ nhìn Việt Nam ở một con mắt khác, đơn hàng từ các quốc gia khác sẽ được chuyển sang Việt Nam là có thể xảy ra.
Thời trang “xanh”, bền vững dần lên ngôi
Có thể thấy, khái niệm thời trang bền vững không chỉ là mối quan tâm của ngành dệt may mà còn đang trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng. Thay vì chỉ chọn sản phẩm thời trang dựa trên màu sắc hay kiểu dáng, người tiêu dùng thông thái hiện đang ngày càng hướng đến các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều tập đoàn, công ty dệt may đã xây dựng riêng cho mình một phòng Lab chỉ để nghiên cứu “nguyên liệu xanh” và từ đó ứng dụng vào thời trang “xanh” một cách thực tế.
Là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và đầu tư nhiều cho nghiên cứu phát triển (R&D) để có những sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, ông Trần Như Tùng cho biết: “Chúng tôi xác định sản xuất thời trang “xanh” là xu hướng và từ năm 2015 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD). Ngoài thành lập trung tâm R&BD, chúng tôi cũng đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực thông qua việc mời 1 Tiến sĩ người Hàn Quốc phụ trách trung tâm R&BD này, đồng thời hàng năm tuyển dụng các sinh viên học ngành thời trang xuất sắc của trường Đại học Bách khoa. Việc thành lập trung tâm này giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính, đó là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống”.
“Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát nặng nề, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng lại đặt các đơn về khẩu trang kháng khuẩn. Nhờ đã đầu tư R&D nên TCM kịp thời chuyển hướng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu, góp phần quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của công ty”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Cùng với TCM, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới. Theo đuổi định hướng “mặc khỏe để sống xanh”, các nguyên liệu xanh của Faslink hướng đến yếu tố nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.
Tổng giám đốc Faslink, bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ: “Tại Faslink, chúng tôi khơi dậy và thúc đẩy tinh thần tự học hỏi, tự tìm kiếm những nguồn lực, sáng tạo và nỗ lực không ngừng để tìm ra những giải pháp mới, hướng tới ngành thời trang bền vững, thân thiện với môi trường. Từ những sợi vải xanh, chúng tôi kỳ vọng lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng và đồng hành, để người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường”.
Cam kết chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào nguyên liệu xanh, Faslink còn hướng tới xanh hoá các hoạt động sản xuất, vận hành và chiến lược kinh doanh, hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ. Mới đây, tại sự kiện “Green Path - Con đường xanh”, Faslink giới thiệu triển lãm “Sợi vải xanh” với 5 loại sợi tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp và thời trang.
Theo kịch bản tốt nhất của Vitas, kim ngạch xuất khẩu của dệt may năm 2022 có thể đạt 42,5-43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện "xanh hóa" sẽ là thách thức dài hạn không thể bỏ qua. Bởi trong chiến lược phát triển đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu không giữ 39% thị phần dệt may của thế giới như hiện nay mà giảm xuống 30%. Nguyên nhân, nước này quyết định đi theo hướng tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận cao nhất như nguyên liệu tái chế, ví dụ như vải polyeste tái chế. Hay như một đối thủ khác của Việt Nam là Banglades cũng đi theo hướng đầu tư hiện đại hóa. Năm 2021, 9 trong 10 nhà máy “may mặc xanh” đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ cấp chứng nhận là ở Banglades.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu "xanh hóa" đang là yêu cầu cấp bách trước chiến lược hiện đại hóa ngành dệt may của nhiều đối thủ nước ngoài lớn cũng như để duy trì dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu hiệu lực đầu năm nay. Sau hết, hiệu quả cuối cùng chính là triển vọng thu hút khách hàng. "Nếu xanh hơn trong các sản phẩm của mình sẽ rất có lợi cạnh tranh trên thị trường quốc tế", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức